“ƯỠN LƯNG” KHI BENCH PRESS CÓ PHẢI LÀ “ĂN GIAN”?

ngochoang

Bài viết này dựa trên cuộc thảo luận khá thú vị trên podcast Iron Culture giữa Omar IsufEric Helms và Eric Trexler về chủ đề “kĩ thuật tập luyện có tính ‘ăn gian’” với trung tâm là sự thay đổi luật thi của IPF (Liên đoàn Powerlifting Quốc Tế) đối với phần thi Bench Press, được cho là nhằm hạn chế việc lạm dụng cơ chế “ưỡn lưng” nhằm tăng thành tích (mức tạ nâng được) cho phần thi này. 

Sự kiện này tiếp diễn cho một chủ đề được tranh cãi dai dẳng trong cộng đồng đam mê thể thao và tập luyện bấy lâu nay, thường dưới dạng “kĩ thuật tập luyện nào là đúng hay sai” hay “tập A với kĩ thuật B là ăn gian”.

BỐI CẢNH

Từ 01/01/2023, IPF cập nhật một số quy tắc trong luật thi Powerlifting của mình. Trong đó, liên quan đến phần thi Bench Press, IPF đưa ra 2 quy định mới: 1) không được đặt Chân lên Ghế khi setup, và 2) khi hạ đòn xuống ngực/bụng, Khuỷu tay phải ngang với hoặc thấp hơn Vai (như hình minh họa ở dưới).

Những thay đổi này được cho là nhằm hạn chế các hình thức “arch” lưng (ưỡn lưng) thái quá cũng như những cách điều chỉnh kĩ thuật tập luyện bởi các VĐV nhằm “ăn bớt” khoảng ROM của thanh đòn và nâng cao thành tích của chuyển động này (và theo đó tổng mức tạ nâng được của Big 3) trong thi đấu.

Cùng là “ăn bớt” nhưng không bình đẳng

Một điều dễ hiểu là các VĐV sẽ tìm mọi cách tinh chỉnh kĩ thuật để “vắt” từng kg thành tích trên sàn thi đấu trong khi (trên lý thuyết) vẫn thỏa mãn luật thi. Tuy nhiên, từ phía khán giả, những cách “vặn vẹo” này được đón nhận với những thái độ khá trái ngược nhau, với một số cách được cho là “ăn gian” trong khi một số cách khác được cho là “mãn nhãn”, thậm chí “thay đổi cuộc chơi”.

Tình thế của Bench Press trong Powerlifting có thể coi là khá giống với tình thế của phần thi Clean & Press trong bộ môn Cử tạ Olympic (Olympic Weightlifting). Có thể ít ai biết đến, nhưng Clean & Press từng là một phần thi trong trong Olympic Weightlifting, bên cạnh Snatch và Clean & Jerk từ năm 1920 đến 1972. Tuy nhiên đến năm 1972 chuyển động này bị loại bỏ, vì lí do khó đánh giá kĩ thuật “đạt chuẩn”. Lí do một phần không nhỏ đến từ quy tắc cho phần thi khá lỏng lẻo. Trong khi luật thi cấm các chuyển động gập gối, di chuyển bàn chân hay “nghiêng người về phía sau thái quá” (exaggerated leaning), để đạt được thành tích cao hơn, theo thời gian các VĐV tiếp thu và sử dụng rộng rãi kỹ thuật “ngả người” về phía sau; đặc biệt khi được thực hiện nhanh chóng nó có thể tạo lực đạp từ Thân dưới, cũng như biến chuyển động đẩy qua đầu (Overhead press) giống với chuyển động đẩy ngực ghế dốc (Incline Bench Press) nhưng ở trạng thái đứng. Việc thiếu những quy chuẩn khách quan để đánh giá nghiêng về phía sau như thế nào là “thái quá”, kèm theo những tranh cãi trong chính giới giám khảo và những cáo buộc thiên vị và gian lận mang màu sắc chính trị, dẫn đến quyết định loại bỏ Clean & Press vào Olympic 1972 tại Munich, Đức và giảm số lượng phần thi của Cử tạ Olympic xuống còn 2 chuyển động như hiện tại.

Mặt khác, cùng thời kì này, một ví dụ “ăn bớt” nhưng dẫn đến thay đổi cuộc chơi diễn ra ở bộ môn “nhảy cao” (High Jump). Kĩ thuật nhảy xà phổ biến tại thời điểm đó (vd: kiểu “bước qua”, “nằm nghiêng” hay “úp bụng”) là những kĩ thuật thịnh hành. Tuy nhiên, trong kì Olympic năm 1969 tại Mexico, kĩ thuật nhảy xa kiểu “lưng qua xà” lần đầu tiên được giới thiệu trước toàn thế giới bởi Dick Fosbury, mang về tấm huy chương vàng cho VĐV này, và vinh dự góp tên mình vào kĩ thuật nhảy cao mới này – Fosbury Flop. Điều độc đáo của kĩ thuật này nằm ở điểm, nó cho phép giữ trọng tâm của cơ thể thấp hơn và gần với xà ngang nhất so với các kĩ thuật truyền thống, khiến VĐV tốn ít sức hơn để sản sinh lực đưa cơ thể khỏi mặt đất và qua xà. Kĩ thuật này nhanh chóng được tiếp nhận như một “chuẩn mực” mới của giới Nhảy cao. Cùng là “ưỡn lưng” và “ăn bớt” nhưng lại được tiếp nhận một cách rất tích cực.

Gần với hiện tại hơn 1 chút, một ví dụ khác của một kĩ thuật “ăn bớt” trong thi đấu cũng thuộc về bộ môn Cử tạ, với kĩ thuật Squat Jerk (cử giật bắt tạ ở tư thế ngồi xổm). Đây là kĩ thuật được nhìn thấy nhiều nhất ở các VĐV đội tuyển Cử tạ Trung Quốc, mặc dù đây không phải là kĩ thuật duy nhất mà họ sử dụng. Ưu thế của Squat Jerk so với kĩ thuật Split Jerk thịnh hành là nó cho phép VĐV có thể bắt lấy thanh đòn ở vị trí thấp hơn đáng kể so với Split Jerk, từ đó có thể cho phép VĐV sử dụng ít leg drive hơn (với cùng mức tạ) để đưa thanh đòn lên, hoặc (trên lý thuyết, với cùng lượng leg drive) cho phép đưa một khối lượng lớn hơn qua đầu.

“Ăn bớt” nhưng chưa chắc đã “ngon ăn” hơn

 

Trước khi đi vào lí do vì sao có những phản ứng trái chiều về các thủ thuật “ăn bớt” chuyển động trên, một điều cần phải công nhận là, thực hiện những kĩ thuật này không hề dễ. Một điều mọi người ít để ý đến là, những kĩ thuật này hầu như không “cho không” bất cứ lợi thế nào, mỗi lợi thế đạt được đều phải đổi lấy những hạn chế đáng kể. Để làm rõ hơn, chúng ta có thể kể đến một số ví dụ.

Với Bench Press, lợi thế đạt được là rút ngắn khoảng ROM mà thanh đòn di chuyển. Đổi lại, bề mặt tiếp xúc với giữa cơ thể (Lưng) và mặt ghế (Bench) giảm xuống rõ rệt, khiến chuyển động kém ổn định hơn. Kết hợp với tay cầm rộng (wide grip) (cũng để rút ngắn khoảng ROM), sự tham gia của cơ Ngực giảm xuống đáng kể (trái với quan niệm thông thường, là tay rộng sẽ tác động vào Ngực hơn) và Tay sau đóng vai trò sản sinh lực lớn hơn. Cuối cùng, “arch” (ưỡn lưng) đòi hỏi người tập phải duy trì độ linh hoạt ở cột sống, cụ thể là ở khả năng duỗi (extension) tối đa ở vùng thắt lưng; khi kết hợp với các hoạt động hay các ‘mẹo’ kĩ thuật tập trung vào “duỗi cột sống” (vd: ưỡn ngực, ngửa cổ), điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến đau mỏi trong dài hạn. Trên thực tế, chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ người tập Powerlifting có thể khai thác hiệu quả “arching” để đạt được thành tích cao hơn.

Ví dụ thứ 2 được đề cập ở trên là Squat Jerk. Trong khi nó cho phép người tập bắt thanh đòn ở vị trí thấp hơn, vị trí bắt của người tập lúc này (trong tư thế Squat, 2 chân ngang nhau) cũng kém ổn định hơn so với Split Jerk (chân trước chân sau). Tư thế này cũng đòi hỏi độ linh hoạt lớn hơn ở Vai và cột sống (phần Ngực). Ngay cả những VĐV đẳng cấp quốc tế hoàn toàn có thể “miss” đoạn Jerk với mức tạ họ có thể Clean rất dễ dàng (như được giải thích ở video dưới).

Ví dụ cuối cùng, chưa được nhắc đến ở trên nhưng gây tranh cãi không kém, xoay quanh chuyển động “Kipping Pull Ups”, hay “lên xà kiểu bướm” (butterfly pull ups). Trong khi kiểu “lên xà” truyền thống chỉ sử dụng hoàn toàn cơ bắp vùng Thân trên (Lưng, Tay) để đưa cơ thể lên, Kipping Pull Ups bao gồm chuyển động của toàn cơ thể để tạo đà “búng” người lên. Kĩ thuật lên xà này, phổ biến bởi trào lưu tập luyện Crossfit, ngay lập tức được coi là “ăn gian”, “trò hề”. Tuy nhiên, để thực hiện nó không hề dễ dàng, bởi người tập cần có khả năng phối hợp chuyển động để tận dụng đà từ chuyển động bùng nổ sản sinh từ Hông, Bụng và Lưng, khá giống với cách thực hiện chuyển động Muscle Up của phong cách tập luyện Calisthenics (ngoại trừ không có đoạn đưa vượt qua xà ngang). Kĩ thuật để thực hiện nó hiệu quả không hề đơn giản, nhưng vẫn cứ bị gọi là “ăn gian”.

Vì sao lại có những phản ứng trái chiều trên

Gốc rễ của những phản ứng trái chiều trên có thể được giải thích dựa vào khái niệm “performance” – một khái niệm có liên hệ mật thiết với thể thao. Tưởng chừng đơn giản, nhưng khái niệm này có lẽ phản ánh khá rõ những “hỉ nộ ái ô” trong thể thao thông qua những sắc thái của nó.

Màn trình diễn về thể chất

Đầu tiên có thể kể đến là tính “trình diễn”. Thể thao đỉnh cao về bản chất vẫn là những màn trình diễn đẹp mắt những chuyển động của bộ môn thể thao liên quan. Bất kể có trực tiếp tham gia tập luyện bộ môn đó hay không, những người hâm mộ muốn thưởng thức và được truyền cảm hứng bởi những màn trình diễn mãn nhãn sự siêu phàm về thể chất và khả năng vượt qua những thử thách phi thường của con người. Vì vậy mà chúng ta mới có những phản ứng tích cực trong những trường hợp như Squat Jerk (bộ môn Cử tạ) hay “Fosbury Flop” (môn Nhảy cao). Đây là những chuyển động (dưới con mắt của khán giả) khó và mãn nhãn, phản ánh quá trình “khổ luyện thành tài” và đẳng cấp của vận động viên. 

Mặt khác, ở những bộ môn với những động tác gần gũi, dễ tiếp cận hơn (như Bench Press, Deadlift, Pull Ups hay Overhead Press), đám đông những người hâm mộ dường như đã có một định kiến sẵn có, ý thức về kĩ thuật mà theo họ là “chuẩn mực” cho những chuyển động này. Vì vậy mà khi có ai đó đạt được ‘thành tích’ cao hơn sử dụng một kĩ thuật ‘phi truyền thống’, phản ứng tự nhiên của đám đông sẽ thường là bất bình, thậm chí phẫn nộ và lên án. Vì vậy mà chúng ta có những quan niệm phổ biến như, “Sumo Deadlift là ăn gian (và Conventional Deadlift là cách duy nhất đúng để Deadlift)”, “ưỡn lưng khi Bench là ăn gian”, “đánh đu khi Pull Ups là ăn gian”, v.v. Công bằng mà nói, như đề cập ở trên, những kĩ thuật ‘phi truyền thống’ này chưa chắc đã dễ hơn; vả lại, thực sự những tình huống thực sự cực đoan (ví dụ, đứng rộng chân khi Sumo Deadlift hay ưỡn lưng khi Bench Press đến mức khoảng ROM rút ngắn còn vài cm) lại khá hiếm, khi mà chỉ có 1 số ít cá nhân có cấu trúc cơ thể phù hợp để tận dụng những kĩ thuật như vậy. Dù vậy, chúng lại vẫn là những ví dụ gây ấn tượng mạnh nhất và là thứ được liên tưởng đến đầu tiên, tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ.

Ăn thua trong thi đấu

Khía cạnh thứ hai của “performance” trong thể thao cần đề cập đến là tính “cạnh tranh”. Trong thi đấu thể thao kiểu gì cũng có kẻ thắng người thua, và không có vận động viên nào muốn “thua” cả. “Từ cổ chí kim”, giới VĐV đã và đang liên tục tìm cách để đạt được thành tích cao hơn trong thi đấu, từ “hợp pháp” (vd: tối ưu hóa chương trình tập luyện, dinh dưỡng và hồi phục), đến “phi pháp” (vd: sử dụng PED, doping). Và lại có những cách nằm trong “vùng xám” – trong đó có điều chỉnh kĩ thuật tập luyện nhằm đem lại lợi thế lớn nhất trong thi đấu trong khi (trên lý thuyết) vẫn “đúng luật”. Và nếu “đúng luật” thì không thể gọi là “ăn gian” được, phải không? Cho dù có khiến đám đông khán giả bất bình, la ó, ném chai nước lên khán đài, thắng cuộc vẫn là kết quả cuối cùng. 

Mặt khác, điều này không chỉ xảy ra ở những tình huống với “luật thi” lỏng lẻo. Kể cả những tình huống mà “luật thi” cho phép những kĩ thuật “sáng tạo” hơn vẫn là mục tiêu của những người có tư duy bảo thủ về tập luyện. Ví dụ rõ nhất liên quan đến kĩ thuật “Kipping Pull Ups” và bộ môn Crossfit; khi mục tiêu đặt ra là hoàn thành một workout với thời gian ngắn nhất, Kipping Pull Ups là một phương án hiệu quả và đúng luật (tất nhiên được cho phép) để tăng thành tích, nhưng không hề dễ thực hiện hay ăn điểm (khi mà người tập vẫn phải thỏa mãn tiêu chuẩn kĩ thuật là đưa cằm vượt xà, nếu không sẽ không được tính hay “no rep”). Dù vậy, vẫn sẽ có không ít lời mỉa mai trên mạng xã hội cho rằng bất cứ thứ gì không phải “Strict Pull Ups” là đồ bỏ.

Nếu không có “luật” đừng gọi là “ăn gian”

Bản thân “luật” là một khái niệm phụ thuộc vào bối cảnh rất lớn. Trong thi đấu, rõ ràng “luật” được đưa ra bởi liên đoàn tổ chức giải đấu. Nhưng trong tập luyện, đặc biệt mang tính phong trào và giải trí, “luật” là một thứ khá mơ hồ. Rốt cục việc tập luyện là một hoạt động rất cá nhân; “tôi tập như thế thì liên quan gì đến anh”, kiểu vậy. Dù vậy, gần như ai cũng có định kiến của bản thân và ai cũng sẽ phán xét. Cơ mà chả có lí do gì để ủng hộ phán xét đó cả. Rốt cục thứ chúng ta thường làm là lấy một quy tắc ở đâu đó để áp dụng đến một tình huống không liên quan. Giống như là lấy luật pháp Hoa Kỳ áp dụng tại Việt Nam vậy.

Còn tất nhiên, kĩ thuật tập luyện gắn với “mục tiêu” mà người tập muốn đạt được. Một điều mình nhấn mạnh trong phần thảo luận về Kỹ Thuật Tập Luyện của Giáo án “Hybrid Training: From Zero To Hero” là, không có kỹ thuật sai, chỉ có kỹ thuật hiệu quả hay kém hiệu quả hơn cho một tác vụ cụ thể. Mình nghĩ đây sẽ là cách tiếp cận có tính xây dựng hơn, khi thảo luận về kĩ thuật tập luyện.

LIÊN HỆ TƯ VẤN

(Cam kết bảo mật thông tin khách hàng)
©2023 SmallGym. All rights reserved.

Thanh toán khi nhận hàng

Ship cod