NGHIÊN CỨU MỚI: NGHỈ LÂU HƠN CHƯA CHẮC ĐÃ TĂNG CƠ TỐT HƠN

ngochoang

Trước đó trên Substack, T3 đã thảo luận về chủ đề “thời gian nghỉ giữa các Set cho mục tiêu Tăng cơ” để lí giải vì sao phương pháp tập luyện Drop Set có thể đem lại hiệu quả tăng cơ tương đương với Set truyền thốngXét trung bình, thời gian nghỉ “ngắn” đem lại hiệu quả tăng cơ kém hơn so với thời gian nghỉ “dài” hơn khi tập luyện cùng một số Sets , bởi ảnh hưởng của mệt mỏi tác động đến thành tích tập luyện ở các Set sau, nhưng dường như tương đương nhau khi Volume Load (Sets x Reps x Tạ) bằng nhau, chủ yếu khi thời gian “nghỉ ngắn” được bù đắp lại bằng cách tập nhiều Sets hơn.

 

Tuy nhiên, liệu có mốc thời gian nghỉ nào được coi là “quá ngắn” hay “quá dài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tăng cơ? May mắn là gần đây một nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysis) mới được công bố làm sáng tỏ câu hỏi này thêm một chút, và kết quả được ghi nhận có thể gây kinh ngạc.

DỮ KIỆN MỚI CHO BIẾT THÊM ĐIỀU GÌ?

 

 

Dữ kiện mới về thời gian nghỉ giữa các Set và phát triển cơ bắp đến từ nghiên cứu phân tích tổng hợp của “Singer và đồng nghiệp”. Nghiên cứu này hiện đang ở dưới dạng tiền xuất bản hay preprint, chưa trải qua bình duyệt và xuất bản chính thức. 

Nội dung của nghiên cứu có thể được tóm gọn như sau:

  • Có tổng cộng 9 nghiên cứu thỏa mãn các tiêu chí sàng lọc và được sử dụng cho quá trình phân tích tổng hợp

  • Thời gian nghỉ được phân loại theo hai cách. Cách đầu tiên chia thời gian nghỉ thành “ngắn” (≤ 60s) và “dài” (> 60s); đây cũng là cách phân loại được sử dụng trong meta-analysis trước đó vào năm 2017 bởi “Grgic và đồng nghiệp”. Cách thứ hai chia thành 4 nhóm chính: ngắn (dưới 1 phút), trung bình (1 – 2 phút), dài (2-3 phút), và rất dài (hơn 3 phút).

Kết quả phân tích cho thấy:

 
  • Nhìn chung, với cùng một Volume tập luyện, nghỉ ≤ 1 phút (short) hỗ trợ tăng cơ trong tập luyện kém nhất. 

  • Nghỉ 2 – 3 phút (long) hay 3+ phút (very long) không giúp cơ bắp phát triển nhiều hơn rõ rệt. 

  • Hiệu quả tăng cơ lớn nhất được ghi nhận với thời gian nghỉ nằm đâu đó giữa 1 – 2 phút (intermediate).

Một điểm đáng chú ý của meta-analysis hiện tại là, nhóm nghiên cứu áp dụng phương pháp thống kê “Bayesian” thay vì phương pháp “Frequentist” thường được sử dụng trong các meta-analysis. Nếu như đặc trưng của trường phái frequentist là đánh giá xác suất của một kết quả (một hình ảnh quen thuộc là một kết quả được đánh giá có “đạt ngưỡng đáng kể về thống kê” hay p < 0.05 hay không), trường phái Bayesian đánh giá xác suất mà một giả thuyết là đúng. Nói cách khác, trong bối cảnh nghiên cứu hiện tại, nhóm nghiên cứu đánh giá xác suất việc nghỉ dài hơn có đem lại lợi ích (dù rất nhỏ) thay vì không đem lại lợi ích nào hay thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng cơ.

 

Trong nghiên cứu hiện tại, xác suất nghỉ dài hơn có đem lại lợi ích là 88% cho tăng cơ Thân dưới (Đùi trước) và 74% cho Thân trên (Tay). Mặt khác, tăng cơ Toàn thân (whole-body) được ghi nhận thu được lợi ích lớn hơn từ thời gian nghỉ ngắn (69%), tuy nhiên kết quả này không thực sự chắc chắn khi chỉ có 3 nghiên cứu cung cấp dữ kiện về tăng cơ Toàn thân.

 

Một số điều rút ra được từ những phát hiện trên:

  • Phát hiện này ủng hộ kết luận trước đó bởi “Grgic và đồng nghiệp”, rằng nghỉ 1 phút hoặc ít hơn không có lợi đối với phát triển cơ bắp.

  • Mặt khác, xét trung bình, không phải lúc nào nghỉ dài hơn cũng sẽ giúp cải thiện kết quả tăng cơ.

  • Nghỉ khoảng 90 giây (1.5 phút) tỏ ra là một xuất phát điểm hợp lý khi thiết lập thời gian nghỉ giữa các Set.

  • Trong bất kể trường hợp nào, nghỉ dài hơn vẫn tỏ ra là một phương án an toàn hơn nếu mục tiêu là thúc đẩy cơ bắp phát triển tối đa.

Dù vậy, những kết luận trên cần được tiếp nhận cùng với những lưu ý dưới đây.

Một số điểm cần chú ý

 

 

Trước tiên, mọi khoảng thời gian nghỉ được phân tích đều dẫn đến tăng cơ. Ngay cả thời gian nghỉ “ngắn” (≤ 1 phút) vẫn có thể hỗ trợ cơ bắp phát triển, chỉ có điều là không bằng với thời gian nghỉ dài hơn. Lưu ý trên liên quan trực tiếp đến một chi tiết là, 7/9 nghiên cứu được chọn lọc so sánh các khoảng thời gian nghỉ với số Set tập luyện bằng nhau. Điều này hoàn toàn hợp lý khi mà nghỉ ngắn hơn sẽ làm giảm thành tích của các Set kế tiếp, trong khi nghỉ dài hơn giúp bảo toàn thành tích tập luyện ở các Set sau; trái lại, nếu thực hiện khối lượng Volume Load (Sets x Reps x Tạ) bằng nhau, nghỉ ngắn có thể đem lại kết quả tương đương với nghỉ dài. Điều này cho thấy, người tập sẽ cần thực hiện nhiều Sets hơn khi nghỉ ngắn để tạo ra kích thích lên cơ bắp tương đương với khi nghỉ dài.

 

Bên cạnh đó, mặc dù 1.5 phút là một xuất phát điểm tốt, thời gian nghỉ sẽ cần được điều chỉnh linh động theo tình huống cụ thể. Một phân tích thứ cấp trong nghiên cứu trên cho thấy rằng tập luyện Thân dưới có thể sẽ phù hợp với thời gian nghỉ dài hơn so với tập luyện Tay. Với việc hiệu quả tăng cơ cao nhất được ghi nhận với thời gian nghỉ trong khoảng 1-2 phút, xuất phát điểm cho tập Thân dưới sẽ nên gần với 2 phút hơn, trong khi thời gian nghỉ cho tập Tay sẽ gần với 1 phút hơn.

 

Cuối cùng, chúng ta cũng cần lưu tâm những hạn chế của nghiên cứu hiện tại. Dữ kiện được sử dụng chủ yếu đến từ những người chưa từng tập luyện, và chương trình tập có thể không phản ánh chương trình tập luyện thực tế. Bên cạnh đó, những kết quả trên đại diện cho phản ứng trung bình với các khoảng thời gian nghỉ khác nhau, trong khi phản ứng cá nhân trong thực tế có thể khá đa dạng. Vì vậy, khi cân nhắc áp dụng những kết luận trên vào thực tiễn, chúng ta sẽ cần cân nhắc những yếu tố phát sinh trong tập luyện thực tế.

CÂN NHẮC THỰC TIỄN

 

 

Yếu tố đầu tiên đáng cân nhắc thời gian dành cho tập luyện. Tập luyện tiêu tốn thời gian, và phần lớn thời gian dành cho tập luyện Kháng lực thực chất là dành cho nghỉ giữa các Set hay giữa các bài tập. Vì vậy, không phải ai cũng có điều kiện để nghỉ 3-4 phút giữa mỗi Set. Dù vậy, như đã được thảo luận ở trên, (trung bình) người tập không cần nghỉ quá dài để hỗ trợ phát triển cơ bắp tốt nhất (cơ mà tập luyện cho Sức mạnh lại khác hoàn toàn nhé). Thậm chí bước vào Set tập trước khi cảm thấy hồi phục hoàn toàn khả năng cao cũng sẽ không làm giảm nhiều hiệu quả tăng cơ của các Set tiếp theo. Còn tất nhiên, với những người thực sự muốn phát triển cơ bắp tối đa và có dư dả thời gian tập luyện, nghỉ đủ để hồi phục hoàn toàn sẽ đem lại cơ hội lớn nhất (cách để người tập tự xác định khi nào nên bắt đầu Set tiếp theo được thảo luận ở dưới).

 

Thứ hai là trình độ tập luyện. Cùng với một mức cường độ tương đối (vd: cùng tập đến thất bại), những người có trình độ tập luyện cao hơn có khả năng nỗ lực cao hơn so với những người có trình độ thấp hơn, gây nhiều áp lực lên cơ thể hơn nhưng cũng tích lũy mệt mỏi lớn hơn. Bên cạnh đó, những người có trình độ tập luyện cao cũng thường phải vận động khối lượng cơ bắp lớn hơn, tốn nhiều sức hơn và vì thế cũng sẽ cần nhiều thời gian hồi phục hơn.

 

Thứ ba là lựa chọn bài tập. Các bài tập huy động nhiều nhóm cơ (vd: các bài Đa khớp hay Compound) sẽ gây mệt mỏi và cần nhiều thời gian phục hồi hơn, trong khi các bài tập dạng Đơn khớp hay cô lập một nhóm cơ (Isolation) có thể cần thời gian hồi phục khá ngắn. Tương tự, các bài tập có mức độ ổn định cao hơn (vd: với máy) có thể sẽ cần ít thời gian phục hồi hơn so với các bài tập kém ổn định hơn (vd: tạ truyền thống). Dù vậy, nếu cùng tập đến thất bại, tập Leg Press (với máy, ổn định cao) khả năng cao sẽ gây mệt mỏi không kém, thậm chí cao hơn, so với tập Back Squat (tạ truyền thống, kém ổn định hơn) chỉ vì người tập sẽ có khả năng đẩy nỗ lực đến gần hơn với ngưỡng thất bại thực sự ở bài Leg Press. Mặt khác, một trải nghiệm chung của nhiều người tập là Bulgarian Split Squat thường “thốn” đến một cách lạ lùng, kể cả so với Back Squat, nhất là khi Bulgarian Split Squat thường xuyên được tập với số Reps cao hơn.

Thứ tư là yếu tố gây hạn chế. Khi tập luyện, khả năng sản sinh lực của cơ bắp không phải là yếu tố duy nhất khiến người tập cần nghỉ, mà bên cạnh đó còn yếu tố “tim mạch – hô hấp” (rõ ràng người tập khó có thể phát lực nếu như không thể thở hay tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực”, hay “tâm lý” (tập đủ nặng để kích thích phát triển chắc chắn cần người tập phải “cố”, nhưng sẽ rất khó để “cố” khi người tập chưa hoàn hồn sau Set đầu tiên). Bên cạnh đó, thời gian nghỉ chịu ảnh hưởng không chỉ bởi tốc độ hồi phục của các nhóm cơ “mục tiêu” mà còn cả các nhóm cơ “đồng vận” hay đóng vai trò giữ ổn định; nếu như sau 1 Set tập Romanian Deadlift mà Đùi Sau của người tập đã hồi phục hoàn toàn nhưng Lưng dưới vẫn khá là căng, khả năng cao là người tập sẽ cần nghỉ thêm để Lưng dưới bớt căng. Cuối cùng, như nhắc đến ở trên, khối lượng của cơ bắp được tập luyện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian hồi phục; điều này cũng đúng trên cùng một cá nhân. Như đã được ghi nhận ở nghiên cứu đầu bài viết, tập Thân dưới sẽ cần nghỉ dài hơn so với, vd, tập Tay.

KẾT LUẬN

 

Nhìn chung, nghiên cứu bởi “Singer và đồng nghiệp” củng cố những hiểu biết hiện tại về vai trò của thời gian nghỉ giữa các Set trong buổi tập với phát triển cơ bắp. Trong khi cơ bắp có thể phát triển với nhiều khoảng thời gian nghỉ khác nhau, với cùng một lượng Set Volume, thời gian nghỉ quá ngắn (vd: ≤ 1 phút) có thể không giúp người tập đạt được thành tích tập luyện tối đa, và giảm hiệu quả tăng cơ của các Set tiếp theo. Người tập không cần nghỉ lâu nếu như mục tiêu là phát triển cơ bắp, và nghỉ quá dài có thể không đem lại nhiều lợi ích (nếu có), ngoại trừ việc khiến buổi tập kéo dài hơn. Xét trung bình, 1.5 phút là xuất phát điểm hợp lý, nhưng người tập cần điều chỉnh linh động thời gian nghỉ theo tình huống cũng như nhu cầu của bản thân.

Checklist “cá hồi” cho Set tiếp theo

 
 

Bên cạnh việc dựa vào một khoảng thời gian nghỉ cụ thể, người tập có thể dựa vào một số dấu hiệu sau – đề xuất bởi Mike Israetel1 – để tự căn chỉnh thời gian nghỉ của bản thân:

  • Phục hồi về tim mạch – hô hấp: Người tập không còn thở gấp, nhịp tim và hô hấp trở lại bình thường.

  • Phục hồi về cảm giác sẵn sàng: Người tập nên cảm thấy bản thân sẵn sàng để bước vào Set tiếp theo.

  • Phục hồi nhóm cơ đồng vận (synergist): Không chỉ các nhóm cơ chủ vận mà cả các nhóm cơ giữ ổn định nên cảm thấy hồi phục đủ để tiếp tục thực hiện bài tập.

  • Phục hồi về thành tích, sao cho các Set tiếp theo đạt được tối thiểu 5 Reps/Set.

trong đó, yếu tố cuối cùng tỏ ra khá thú vị (phục hồi về thành tích), với cách diễn giải của Mike và Milo xoay quanh khái niệm “effective reps”. Theo đó, khi so sánh các khoảng thời gian nghỉ khác nhau, một giả định được đưa ra là, xét trung bình, nhóm nghỉ dài hơn (vd: 3+ phút) thường đạt được thành tích mỗi Set cao hơn, nhưng cũng đồng thời phải thực hiện lượng công (số Reps) cao hơn, trong khi đạt được kết quả tăng cơ tương đương với nhóm nghỉ ngắn hơn (1-2 phút). Vì thế, kết quả của meta-analysis này ủng hộ quan sát rằng, Volume Load không phải là yếu tố chính quyết định hiệu quả tăng cơ, và rằng khái niệm “effective reps” ít nhiều có quan trọng – tức là chỉ cần đạt được một số “reps hiệu quả” nhất định (vd: 3 Reps, 5 Reps hay 8 Reps) thì Set tập đó có thể coi là có hiệu quả tăng cơ.


Cá nhân mình nghĩ rằng quan sát này không được ủng hộ bởi meta-analysis hiện tại. Một điều quan trọng cần nhớ rằng, kết quả của meta-analysis đến từ việc gộp dữ kiện của tất cả các nghiên cứu được chọn lọc – với phương pháp nghiên cứu và cách đánh giá kết quả đa dạng và không đồng nhất – và quy đổi chúng ra một đơn vị chung – “ES” (effect size, “kích thước hiệu ứng”) hay “SMD” (standardized mean differences, khác biệt trung bình được quy chuẩn, có thể hiểu giống với ES). Vì thế, rất dễ để nhìn vào kết quả phân tích gộp của những dữ kiện này và đưa ra những suy luận không thực tế. Hơn nữa, trong số các nghiên cứu hiện tại, không có nghiên cứu nào trực tiếp thực hiện phép so sánh mà Milo và Mike đưa ra (vd: thực hiện cùng số Sets, giữa một nhóm nghỉ 1-2 phút và 1 nhóm nghỉ 3 phút hoặc hơn). 


Lí do thực tiễn hơn mà mình có thể nghĩ đến là cho việc nghỉ đủ lâu để thực hiện được tối thiểu 5 Reps/Set là nhằm giúp cảm nhận cơ bắp hiệu quả hơn. Công bằng mà nó, trong một Set, người tập có thể mất 2-3 Reps đầu tiên để thực sự “vào guồng” chuyển động và tác động vào nhóm cơ mong muốn hiệu quả, vì vậy, nghỉ đủ lâu để thực hiện nhiều Reps hơn có thể giúp người tập cảm thấy bản thân “cảm nhận” cơ bắp tốt hơn. Còn hiệu quả thực tế cho điều này thì chưa thực sự được kiểm chứng (cơ mà bất cứ thứ gì giúp cải thiện tâm lý khi tập luyện cũng có thể có ích, nhở?)

LIÊN HỆ TƯ VẤN

(Cam kết bảo mật thông tin khách hàng)
©2023 SmallGym. All rights reserved.

Thanh toán khi nhận hàng

Ship cod